
Bài 2: Hệ sinh thái số và định hướng phát triển nghiệp vụ báo chí số
Phát triển nghiệp vụ báo chí số ở cơ quan báo chí hiện nay
-
Điều kiện thực thi báo chí số là có một toà soạn số đặt trong một hệ sinh thái số và nguồn nhân lực có năng lực tổ chức, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ báo chí số. Như vậy các cơ quan báo chí cần hướng đến hệ sinh thái số như thế nào để phát triển tốt nghiệp vụ báo chí số?
Hệ sinh thái số
Trong cuốn sách xuất bản năm 2014 của Đại học John Hopkins tiêu đề "John Hopkins Guide to Digital Media", tác giả có đề cập đến một số khái niệm quan trọng như "hệ sinh thái truyền thông" (media ecology). Theo đó, khái niệm về hệ sinh thái truyền thông xuất phát từ quan điểm cho rằng: cần nhìn nhận truyền thông như là một hệ thống có khả năng tạo ra hoặc thay đổi thế giới, chứ không chỉ đơn giản là một công cụ để truyền tải thông điệp, chia sẻ nội dung. Hệ sinh thái số và hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện được xây dựng trên cơ sở phối hợp 5 thành phần: Phần cứng (harward), phần mềm (sofware), mạng lưới (netwwork), các dịch vụ (services), nội dung (content).
Trong đó, phần cứng bao gồm: Trang thiết bị liên lạc; phần cứng máy tính; điện tử dân dụng; nhà sản xuất hiết bị điện tử; dịch vụ sản xuất và linh kiện điện tử; thiết bị mạng; thiết bị di động (cầm tay); điện tử văn phòng; chất bán dẫn…
Phần mềm bao gồm: Phần mềm ứng dụng (như ERP, CRM,SCM, SaaS…); phần mềm cơ sở hạ tầng (vitualization, DBMS), phần mềm hệ thống (bao gồm OS và các phần mềm trung gian); cổng và nền tảng internet.
Mạng lưới bao gồm: Nhà cung cấp dịch vụ thay thế; cáp; vệ tinh và băng thông rộng; mạng có dây (Wireline): mạng không dây (Wireless); dịch vụ viễn thông tích hợp.
Các dịch vụ bao gồm: Dịch vụ thương mạu đa dạng và chuyên nghiệp; dịch vụ tư vấn và hộ trợ công nghệ thông tin; dịch vụ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (bao gồm cả IaaS).
Nội dung, bao gồm: Quảng cáo, phim ảnh và giải trí; xuất bản, thông tin và báo chí.
Năm thành tố của hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện. Nguồn: Mumtaz Ahmed, Ragu Gurumurthy, Gaurav Khetan - 2016
Trong thời điểm hiện nay, nền tảng web và mạng xã hội và dịch vụ nhà mạng đang là những nền tảng phổ biến cho hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện. Hệ sinh thái truyền thông của Trung tâm sản xuất nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital) là một điển hình về việc phát triển hệ sinh thái đa phương tiện dựa trên nền tảng web và mạng xã hội và dịch vụ nhà mạng.
Hệ sinh thái VTV Digital (Phạm Anh Chiến - 4/2021).
Theo sơ đồ nêu trên, hệ sinh thái của VTV Digital bao gồm 3 lớp, trong đó, lớp trong cùng là các nền tảng web và các ứng dụng, lớp thứ hai bao gồm dịch vụ nhà mạng fanpage, kênh riêng, các ứng dụng của VTV trên môi trường số, như: Facebook, Youtube, Tiktok, Instagram, Zalo. Lớp thứ ba bao gồm: VTV TV, VTV Mobile VTV Partner, VTV Content và các fanpage, kênh riêng, các ứng dụng của các kênh thuộc VTV như: Facebook báo điện tử VTV.VN, Facebook Trung tâm tin tức VTV24, Facebook VTV24 Money, Youtbe VTV go, Zalo VTV24…
Để phát triển nghiệp vụ báo chí số ở cơ quan báo chí
Với từng cơ quan báo chí, để tổ chức, thực hiện báo chí số, trước hết cần xây dựng đề án mô hình toà soạn số. Trên cơ sở nghiên cứu các khối chức năng và các thành tố của mô hình toà soạn số như đã nêu trên, cần xác định được những nội dung kế hoạch ở 4 khu vực toà soạn, bao gồm: Khu vực sản phẩm, dịch vụ số; khu vực nghiệp vụ báo chí số; khu vực công chúng/ khách hàng số và khu vực tài chính số. Nói cách khác, khu vực nghiệp vụ báo chí số luôn phải nằm trong mối quan hệ tổng thể với 3 khu vực còn lại. Theo tài liệu “Hướng dẫn ứng dụng, khai thác công nghệ số phục vụ chuyển đổi số báo chí" của Bộ Thông tin và Truyền thông biên soạn tháng 2/2023, mô hình toà soạn báo chí ứng dụng công nghệ số tối thiểu có 7 lớp tương ứng với 7 khối chức năng sau đây:
(1) Lớp chức năng quản lý, chỉ đạo: Lớp này thể hiện mô hình quản lý, chỉ đạo của tòa soạn; tòa soạn này sáp nhập và tối ưu các quy trình sản xuất nội dung trên các phương tiện truyền thông; mọi hoạt động quản lý được thực hiện tập trung tại bàn Tổng biên tập/ hoặc bàn “Super-desk”.
(2) Lớp Hạ tầng kỹ thuật: Bao gồm các thiết bị phần cứng và hệ thống truyền dẫn phục vụ quá trình trao đổi các loại nội dung số; ví dụ như máy tính cá nhân, máy chủ lưu trữ, thiết bị kết nối mạng, thiết bị an ninh an toàn, thiết bị ngoại vi (máy in, máy fax...) và thiết bị phụ trợ, mạng nội bộ (LAN), mạng diện rộng (WLAN).
(3) Lớp các dịch vụ dùng chung: Bao gồm các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động chung của tòa soạn; ví dụ như Hệ thống phân phối thông tin; hệ thống khai thác dữ liệu thông minh; hệ thống xác thực một cửa; hệ thống thống kê, báo cáo; hệ thống quản lý định danh người dùng…
(4) Lớp ứng dụng và cơ sở dữ liệu gồm: Hệ thống quản trị nội bộ tòa soạn; Hệ thống quản lý nội dung (CMS) chung hoặc riêng cho từng loại hình xuất bản (báo in, báo điện tử, chuyên san, E-magazine...); ngân hàng dữ liệu (Kho thông tin đa phương tiện; kho thông tin lưu trữ...); các phần mềm tích hợp khác, ví dụ như phần mềm phân tích dữ liệu độc giả (sử dụng các công nghệ AI, Big Data, tìm kiếm thông minh); các hệ thống thu thập thông tin…
(5) Lớp dịch vụ cổng thông tin: Lớp giao diện giữa người dùng và hệ thống máy móc, là điểm truy cập tập trung và duy nhất, tích hợp các kênh truyền thông, các dịch vụ và ứng dụng, phân phối tới người sử dụng thông qua một phương thức thống nhất và đơn giản trên nền tảng web.
(6) Kênh phân phối: Lớp này thể hiện các nền tảng được sử dụng để phân phối nội dung của tòa soạn. Kênh phân phối tuỳ thuộc vào hệ sinh thái số của cơ quan báo chí.
(7) Lớp người dùng/công chúng: Lớp này thể hiện các người dùng (có thể) của hệ thống thông tin tòa soạn. Ví dụ bạn đọc, nhân viên của tòa soạn, quản lý tòa soạn...
Tiếp theo, các cơ quan báo chí cần có khảo sát thực trạng năng lực chuyển đổi số của cơ quan mình, phân tích để xác định tiêu chí cho từng lớp chức năng trong mô hình toà soạn, có lộ trình cho quá trình tổ chức, thực hiện.
Công nghệ và máy móc có thể mua được. Chúng ta cần hiểu đúng để có giải pháp cho một toà soạn số với các lớp chức năng cơ bản trên cơ sở nhận diện đúng các thành tổ và cơ chế vận hành. Điều quan trọng là đào tạo nghiệp vụ báo chí số cho tất cả các vị trí công việc, đào tạo năng lực quản trị toà soạn số theo đúng nguyên tắc vận hành vốn có của nó, trong điều kiện đặc thù của từng cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay./.
PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng
Tài liệu tham khảo
(1). Nguyễn Văn Dững (Chủ biên), Đỗ Thị Thu Hằng (2012), Truyền thông - lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr.13.
(2). Dave Marshall (2001), Introduction to Multimedia, Cardiff School of Computer Science, Cardiff University.
(3). Steinmetz, R., and Nahrstedt, K. (1995). Multimedia: Computing, Communications & Applications. Prentice-Hall. Chapter 15.
(4). Based on the material in the IEEE JSAC Vol 14, No. 1, Jan. 1996, survey paper "A Media Synchronization Survey: Reference Model, Specification, and Case Studies" by Gerald Blakowski and Ralf Steinmetz.
(5).B. Marr (2020), Quản trị nhân sự thông minh bằng dữ liệu, Nxb Công thương và Alphabooks, tr.31.
(6). Sparviero, Sergio, Peil, Corinna, Balbi, Gabriele (Eds.) (2017), Media Convergence and Deconvergence, Springer, ISBN 978-3-319-51289-1, p.3


Kỳ 1: Tầm nhìn chiến lược và cấu trúc lại mô hình tổ chức sản xuất sản phẩm, dịch vụ

Phát triển nghiệp vụ báo chí số ở cơ quan báo chí hiện nay

Phát triển nghiệp vụ báo chí số ở cơ quan báo chí hiện nay

Gây ấn tượng và neo giữ cảm xúc của người đọc báo

“Dư địa” cho báo chí trong truyền thông chính sách

Quản lý thông tin hình ảnh trên các chuyên mục video ở tòa soạn báo mạng điện tử

Quản lý thông điệp về từ thiện trẻ em trên báo điện tử

Báo chí đối ngoại góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế

Quan niệm về an ninh quốc gia và an ninh phi truyền thống

Mỗi tác phẩm báo in phải là một “cú hích”
