Bài 1: Tác phẩm báo chí số và mô hình tòa soạn số

Phát triển nghiệp vụ báo chí số ở cơ quan báo chí hiện nay

12/04/2023, 06:07

Phát triển nghiệp vụ báo chí số ở cơ quan báo chí hiện nay - Bản chất của báo chí số là sử dụng công nghệ số vận hành, đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số. Chuyển đổi số báo chí thực chất là chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của tòa soạn số. Vấn đề đặt ra với các cơ quan báo chí hiện nay là: Nghiên cứu nhận diện báo chí số, xác định rõ yêu cầu của báo chí số để có kế hoạch phát triển nghiệp vụ cho đội ngũ làm báo của mình, đáp ứng những yêu cầu của nền báo chí số.

Tác phẩm báo chí số - Thông điệp truyền thông đa phương tiện

“Thông điệp là nội dung thông tin được trao đổi từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận…; được mã hóa theo một hệ thống ký hiệu nào đó, được bên phát và bên nhận cùng chấp nhận và cùng chung cách hiểu - tức là khả năng giải mã” . Trên cơ sở hệ thống ký hiệu sử dụng để mã hóa thông điệp, có thể phân loại thông điệp bao gồm: thông điệp chữ viết; thông điệp chữ viết và hình ảnh tĩnh; thông điệp âm thanh, thông điệp hình ảnh động, thông điệp phát thanh, thông điệp truyền hình, thông điệp đa phương tiện. Trong mọi chương trình, chiến dịch truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách, cần thiết kế ba loại thông điệp: thông điệp đích (còn gọi là thông điệp mục tiêu, hay thông điệp chủ đạo) - là thông điệp duy nhất và tổng thể cho toàn bộ chương trình, chiến dịch truyền thông; thông điệp cụ thể (dành cho các nhóm đối tượng cụ thể hoặc các giai đoạn truyền thông cụ thể); thông điệp tài liệu/ sản phẩm truyền thông. 

D. Marshall (2001) định nghĩa: “Đa phương tiện (multimedia) là các kỹ thuật dựa trên máy tính về văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa, hoạt hình và bất kỳ phương tiện nào khác mà mọi loại thông tin đều có thể được biểu diễn, xử lý, lưu trữ, truyền, sản xuất và trình bày bằng kỹ thuật số”. Tác phẩm báo chí số chính là thông điệp truyền thông đa phương tiện trong đó việc mã hóa và giải mã được thực hiện dựa trên sự kết hợp của nhiều phương tiện; dữ liệu tạo nên thông điệp được biểu diễn, xử lý, lưu trữ bằng kỹ thuật số, dưới nhiều dạng phương tiện chuyển hoá thông tin; có tính đồng bộ trên nền tảng và hệ sinh thái số; được thiết kế và phân phối tới người nhận qua mạng máy tính, phương tiện điện tử hay các thiết bị thông minh. 

Khác so với các loại hình báo chí truyền thống khác, báo chí số được thực hiện dựa trên sự kết hợp của nhiều phương tiện, trong đó mô phỏng và sử dụng đồng thời nhiều phương tiện chuyển hoá thông tin như: văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa, hoạt hình và bất kỳ phương tiện nào khác…; dữ liệu được biểu diễn, xử lý, lưu trữ bằng kỹ thuật số, dưới nhiều dạng phương tiện chuyển hoá thông tin; có tính đồng bộ trên nền tảng và hệ sinh thái số; sử dụng công nghệ thông tin và mạng máy tính trong sáng tạo, thiết kế, sản xuất và truyền những thông điệp. Sản phẩm báo chí số được sản xuất, lưu trữ, truyền tải, phân phối tới người xem qua mạng máy tính, phương tiện điện tử hay các thiết bị thông minh. 

Tác phẩm, sản phẩm báo chí số có những đặc điểm chính sau đây:

Một là, sản phẩm báo chí số là sản phẩm báo chí truyền thông đa phương tiện.

Hai là, sáng tạo tác phẩm và sản xuất sản phẩm các chỉ số dựa trên dữ liệu số: Thông tin cần được số hoá, phân tích, xử lý, lưu trữ thành dữ liệu số, được sử dụng thông qua mạng máy tính và môi trường truyền dẫn tốt (đường truyền internet chất lượng cao). Điều đó có nghĩa là thông điệp truyền thông đa phương tiện luôn “sống” trong hệ sinh thái truyền thông số. Dữ liệu đầu vào và đầu ra của truyền thông đa phương tiện đều là dữ liệu số. Sau quá trình phân tích, xử lý, dữ liệu đầu ra luôn được đồng bộ hóa.

Ba là, tác phẩm, sản phẩm báo chí số gắn liền với công nghệ số, các chương trình tương tác, các thành tựu kỹ thuật và công nghệ số.

Vì nội dung cốt lõi của báo chí số là thông điệp truyền thông đa phương tiện, nên báo chí số có tính chất sau đây:

- Tính thời gian thực: Thời gian thực (real-time) “là thuật ngữ đề cập khi hệ thống chuyển tiếp thông tin đến người dùng ở tốc độ gần như ngay lập tức hoặc có độ trễ cực ngắn khi có một sự kiện nào đó xảy ra”. Thông qua nền tảng trên môi trường Internet, các chủ thể truyền thông trong cùng một thời điểm có thể cùng sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, tiếp cận, tiếp nhận thông điệp truyền thông, cùng tương tác và phản hồi. Live streaming và tele-conference là những ví dụ điển hình của tính thời gian thực của truyền thông đa phương tiện. Vì tính thời gian thực mà công chúng truyền thông đa phương tiện có thể tiếp nhận và tham gia đồng thiết kế thông điệp truyền thông, tự tạo thông điệp mới từ các thông điệp đã thiết kế chung.

- Tính tương tác: Tính tương tác giữa các chủ thể được coi là đặc tính của truyền thông đa phương tiện. Các sản phẩm hay ứng dụng truyền thông đa phương tiện cho phép tương tác trực tiếp mọi lúc, nọi nơi giữa hai hay nhiều cá nhân (chẳng hạn: tương tác bình luận trên Facebook hay livestream, đào tạo trực tuyến, chatbot..). Truyền thông đa phương tiện có độ mở cao nhất về không gian trải nghiệm và tương tác. Có hai kiểu tương tác chủ thể truyền thông đa phương tiện, bao gồm: tương tác chủ thể truyền thông với nội dung truyền thông và tương tác giữa các chủ thể truyền thông với nhau.

Công chúng truyền thông đa phương tiện có thể tương tác với thông điệp đa phương tiện ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Họ được quyền lựa chọn cao nhất về nội dung thông qua sự hỗ trợ của các nền tảng hay các ứng dụng. Tính tương tác của thông điệp truyền thông đa phương tiện dẫn tới yêu cầu có sự kết hợp giữa tính đại chúng hoá và cá nhân hoá trong từng yếu tố cũng như sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, phát triển, ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong mọi lĩnh vực.

- Tính đồng bộ của thông tin, dữ liệu: Truyền thông đa phương tiện đòi hỏi đồng bộ hóaquan hệ nội dung, quan hệ không gian và quan hệ thời gian. Steinmetz và Nahrstedt (1995) nêu rõ: “Đồng bộ hóa trong hệ thống đa phương tiện thể hiện mối quan hệ thời gian giữa các đối tượng media trong hệ thống đa phương tiện. Trong hệ thống đa phương tiện tương lai, đồng bộ hóa còn thể hiện mối quan hệ không gian và nội dung giữa các đối tượng media.”  Mọi thay đổi nội dung phải được đồng bộ cùng lúc với nhau, khi dữ liệu thay đổi trong một khung thì dữ liệu trong các khung tính khác cũng thay đổi theo. Ví dụ: Dữ liệu và đồ họa của bảng tính (spreadsheet). Các yếu tố không gian và thời gian đều phải đảm bảo tiêu chuẩn đồng bộ hóa. Một ví dụ khác: Các đối tượng trên môi trường thực tại ảo 3D (VR3D) như âm thanh, đồ hoạ, video… bắt buộc phải đồng bộ. Hay tiêu chuẩn CSS2 (Cascading Style Sheets) yêu cầu ngôn ngữ được định dạng đồng bộ để trình bày một tài liệu HTML hoặc XML… Hệ thống đa phương tiện là một hệ thống hoặc ứng dụng hỗ trợ xử lý tích hợp một số loại phương tiện với ít nhất một phương tiện phụ thuộc vào thời gian. 

- Tính hội tụ: Trong lĩnh vực truyền thông, thuật ngữ “hội tụ” được sử dụng để “mô tả một loạt sự phát triển và biến đổi đa dạng xét trên các khía cạnh về kỹ thuật, công nghiệp, văn hóa, xã hội, không gian và chính trị” . Thông điệp truyền thông đa phương tiện không phải là phép cộng thuần túy của các phương tiện (media) mà các yếu tố nội dung, hình thức của thông điệp phải "hội tụ" trên ít nhất ở các khía cạnh: hội tụ nội dung (kể một câu chuyện có nội dung cụ thể, với chủ đề, đề tài, cốt truyện nhân vật, sự kiện, chi tiết…), hội tụ về hình thức và công nghệ , bao gồm: thể loại, bố cục và ngôn ngữ.

Mô hình tòa soạn số

Mô hình tòa soạn số ứng dụng các thành tựu công nghệ số, báo chí dữ liệu và truyền thông đa phương tiện được mô tả với các thành tố sau đây: (1) Chủ thể truyền thông; (2) Dữ liệu đa phương tiện; (3) Chương trình tương tác; (4) Thành tựu cách mạng công nghệ; (5) Sản phẩm – kênh – nền tảng truyền thông đa phương tiện; (6) Công chúng truyền thông đa phương tiện; (7) Dự án Phát triển và ứng dụng truyền thông đa phương tiện; (8) Truyền dẫn và Hệ thống điều khiển.

Mô hình truyền thông đa phương tiện, từ góc nhìn khoa học truyền thông (Đỗ Thị Thu Hằng – 2020).

Chủ thể truyền thông: bao gồm chủ thể quản lý, quản trị truyền thông hoặc chủ thể tham gia các bước, các khâu của truyền thông đa phương tiện. Chủ thể truyền thông đa phương tiện có thể là con người hoặc máy/robot hoặc cả hai.

Dữ liệu đa phương tiện: Để thực hiện truyền thông đa phương tiện, dữ liệu đầu vào phải được định dạng số, qua quá trình xử lý, phân tích, thao tác, mã hoá, tích hợp, nén.. rồi được lưu trữ tại kho dữ liệu và kho dữ liệu theo thư mục. Dữ liệu bao gồm có dữ liệu nội bộ (dữ liệu độc quyền mà tổ chức sở hữu, ví dụ: thông tin cá nhân của nhân viên, dữ liệu đánh giá định kỳ, khảo sát nhân viên, kinh doanh, tài chính, phản hồi khách hàng) và dữ liệu bên ngoài (gồm toàn bộ dữ liệu ngoài tổ chức, thường là dữ liệu công khai được sử dụng miễn phí hoặc được cho phép sở hữu riêng, ví dụ: hồ sơ và bài viết trên mạng xã hội, dữ liệu tuyển dụng từ LinkedIn, các dữ liệu phân tích về xu hướng kinh tế, văn hoá, xã hội, truyền thông (ví dụ trang Hootsuite, Wearesocial…). Theo B. Marr, “Để có thể dễ dàng lưu trữ, tiếp cận và truy xuất, dữ liệu cần được tổ chức gọn ghẽ và theo trật tự. Chúng phải được đưa vào hàng và cột, và điều này được gọi là “dữ liệu có cấu trúc”.  Cũng theo tác giả này, tất cả dữ liệu bên ngoài và dữ liệu nội bộ đều được phân thành 3 loại dữ liệu: Có cấu trúc, Có cấu trúc một phần và Không có cấu trúc.

Chương trình tương tác: Các chương trình tạo sự tương tác dữ liệu - công chúng truyền thông - chủ thể truyền thông, từ đó công chúng có thể tham gia vào quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất. Nhờ có các chương trình tương tác và các thành tựu cách mạng công nghệ được cơ quan báo chí truyền thông lựa chọn sử dụng và ứng dụng như: iclound computing, VR/ AR, Dữ liệu lớn, AI (chat bot, báo chí tự động…), IoT, quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất sản phẩm trở nên linh hoạt, đa dạng, phong phú và hiệu quả cao. 

Sản phẩm – kênh – nền tảng truyền thông đa phương tiện: Sản phẩm báo chí truyền thông đa phương tiện bao gồm 5 nhóm chính: Text +Audio; Sound + Visual; Text +Visual; Text + Audio + Visual; Tích hợp đa loại hình. Các sản phẩm này được sản xuất, phân phối và phát hành trên các kênh, các nền tảng số đa dạng. Phân chia theo kênh/ nền tảng, có 3 nhóm sản phẩm truyền thông đa phương tiện chính bao gồm: Báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng; Truyền thông liên cá nhân; Truyền thông xã hội.

Công chúng truyền thông đa phương tiện: Công chúng truyền thông đa phương tiện là công chúng chủ động và cần đáp ứng những điều kiện nhất định cho tiếp cận, tiếp nhận sản phẩm và sự tham gia tương tác đối với quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện. Nếu đáp ứng được những điều kiện nhất định (tâm thế, nhu cầu, năng lực sử dụng các thiết bị thông minh và năng lực thiết kế thông điệp…), công chúng truyền thông đa phương tiện có thể sử dụng và ứng dụng tốt các sản phẩm truyền thông đa phương tiện, phục vụ cho mục tiêu học tập, nghiên cứu, kinh doanh, giải trí…; thậm chí có thể tham gia hoặc thiết kế các dự án phát triển và ứng dụng truyền thông đa phương tiện.

Truyền dẫn và hệ thống điều khiển: Tất cả các yếu tố của truyền thông đa phương tiện bao gồm: chủ thể, công chúng, dữ liệu đầu vào, chương trình tương tác, quá trình sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, phát hành, phân phối sản phẩm, tiếp cận, tiếp nhận sản phẩm, tương tác và đo hiệu ứng, hiệu quả truyền thông đa phương tiện đều được điều khiển bởi một hệ thống điều khiển tại chỗ hoặc từ xa. Nền tảng và cơ chế vận hành các yếu tố của truyền thông đa phương tiện đều được thực hiện trên các công nghệ truyền dẫn và trong hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện.

Hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và dự án phát triển và ứng dụng truyền thông đa phương tiện: Mô hình truyền thông đa phương tiện hiệu quả luôn bao gồm yếu tố nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Sự khác biệt có tính bản chất của truyền thông đa phương tiện với các loại hình truyền thông truyền thống là dựa trên nền tảng của khoa học dữ liệu và các thành tựu cách mạng công nghệ. Đặc tính của chủ thể, kênh, nền tảng và sự phát triển mạnh các dòng sản phẩm truyền thông đa phương tiện phụ thuộc nhiều nhất vào các hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Điều này gọi ý yêu cầu của mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện luôn cần có bộ phận nhân sự làm công tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Bộ phận này đồng thời đảm nhiệm đề xuất các dự án phát triển và ứng dụng truyền thông đa phương tiện trên các lĩnh vực khác nhau như: báo chí truyền thông chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng; kinh doanh; văn hoá, gíáo dục; nghệ thuật, biểu diễn, giải trí…

(Đón đọc bài 2: Hệ sinh thái số và định hướng phát triển nghiệp vụ báo chí số).

PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng


Tài liệu tham khảo

(1) Nguyễn Văn Dững (Chủ biên), Đỗ Thị Thu Hằng (2012), Truyền thông - lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr.13.

(2) Dave Marshall (2001), Introduction to Multimedia, Cardiff School of Computer Science, Cardiff University.

(3) Steinmetz, R., and Nahrstedt, K. (1995). Multimedia: Computing, Communications & Applications. Prentice-Hall. Chapter 15.

(4) Based on the material in the IEEE JSAC Vol 14, No. 1, Jan. 1996, survey paper "A Media Synchronization Survey: Reference Model, Specification, and Case Studies" by Gerald Blakowski and Ralf Steinmetz.

(5) B. Marr (2020), Quản trị nhân sự thông minh bằng dữ liệu, Nxb Công thương và Alphabooks, tr.31.

(6) Sparviero, Sergio, Peil, Corinna, Balbi, Gabriele (Eds.) (2017), Media Convergence and Deconvergence, Springer, ISBN 978-3-319-51289-1, p.3