Những "cánh chim" đưa tin

16/05/2022, 20:54

Những "cánh chim" đưa tin - Nghề báo vốn dĩ đã vất vả, với những người làm báo phải đi đến các vùng sâu vùng xa của các tỉnh thành trên cả nước, thì sự khó khăn khi làm nghề lại càng lắm gian nan. Dù khó khăn và hiểm nguy luôn cận kề nhưng những người làm báo, nhưng họ vẫn vẫn hăng hái đến những miền đất xa xôi để thực hiện nhiệm vụ đưa tin. Họ như những “cánh chim” không mỏi bay khắp trời quê hương, để cho ra đời “đứa con” tinh thần - những thông tin mới nhất, hấp dẫn nhất đến với bạn đọc.

Nguyên Bình/ Cao Bằng – nơi chắp cánh cho những nhà báo đưa tin

Vừa qua, những nhà báo, phóng viên của Câu lạc bộ Nhà báo Du lịch cùng với các chuyên gia của Hội du lịch cộng đồng Việt Nam, đã vượt hàng trăm km để đến với một huyện Nguyên Bình, một huyện nghèo, vùng sâu vùng xa của tỉnh Cao Bằng, với mong muốn làm cầu nối giúp cho công chúng biết đến một vùng đất tuyệt đẹp về cảnh sắc, đặc sắc về văn hóa, hào hùng về truyền thống cách mạng của một tỉnh địa đầu Tổ quốc.

Nguyên Bình được biết đến là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, có diện tích đất tự nhiên là 839,15 km2; gồm 20 đơn vị hành chính với 15 xã và 02 thị trấn, là nơi sinh sống của 9 dân tộc anh em vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn. Huyện Nguyên Bình có nhiều di tích lịch sử văn hoá, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Nguyên Bình có Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, gắn liền với cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt, đây là nơi diễn ra sự kiện chính trị quan trọng thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Cùng với đó, Nguyên Bình cũng là địa phương có những nét văn hóa rất đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn nguyên vẹn đến ngày nay. Điển hình là điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao với 34 hộ đồng bào dân tộc Dao Tiền. Tại đây, vẫn lưu giữ nguyên vẹn giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc. Xóm có cảnh quan thiên nhiên yên bình, thơ mộng, kiến trúc nhà cổ bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, mỗi gia đình có một kho chứa thóc làm bằng gỗ nằm tách biệt với nhà chính, có thung lũng ruộng bậc thang, những tổ ong khoái tự nhiên, nghề in hoa văn bằng sáp ong và các bài thuốc y học cổ truyền rất tốt cho sức khỏe...

Nơi đây còn là mảnh đất được thiên nhiên ưu ái với cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, hữu tình. Đó là những khu rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia Phja Oắc – Phja Đén còn vẹn nguyên giá trị. Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ được ví như “Đà Lạt của Cao Bằng”. Nguyên Bình còn là địa điểm duy nhất thường xuất hiện băng giá trên đỉnh núi Phja Oắc.

Nguyên Bình còn nằm trong khu vực Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng với đa dạng địa hình, cảnh quan, khoáng sản, nhiều loài động, thực vật quý hiếm được du khách rất quan tâm và tìm đến để khám phá. Đặc biệt là 16 điểm di sản trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng: san hô cổ Lang Môn, Đồn Phai Khắt, xưởng thêu của người Dao Tiền, Tuyến đường Võ Nguyên Giáp, cảnh quan lưng rồng, thung lũng treo Tĩnh Túc, Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Mỏ Vonfram Lũng Mười, Trang trại cá hồi, đá granit Phja Oắc, Đồn điền chè Kolia…

Ngoài ra, khi đến Nguyên Bình, du khách không thể không ghé thăm rừng Trúc Sào ở xóm Bản Phường, xã Thành Công. Khu rừng trúc rộng 30 ha, với hàng nghìn cây trúc sào cao vút, vươn mình hòa cùng trời mây. Khung cảnh nơi đây được du khách ví như bối cảnh phim kiếm hiệp ngoài đời thực, vừa hùng vĩ, lãng mạn, vừa xen lẫn vẻ kỳ bí, huyền ảo. Đắm mình trong không gian xanh mát, du khách sẽ cảm nhận được sự trong lành, mát mẻ của thiên nhiên miền sơn cước.

Các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại Nguyên Bình/ Cao Bằng

Mục tiêu quyết tâm phát triển du lịch bền vững của địa phương

Nắm bắt những tiềm năng vô cùng thuận lợi này, trong những năm qua, chính quyền huyện Nguyên Bình đã triển khai nhiều giải pháp phát triển hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của huyện. Lãnh đạo địa phương xác định du lịch là hướng đi giúp cho đồng bào dân tộc nơi đây có sinh kế bền vững, cải thiện đời sống.

Huyện Nguyên Bình đã triển khai thực hiện các chương trình phát triển du lịch bài bản, chi tiết với sự cố vấn từ các chuyên gia hàng đầu của ngành du lịch, đặc biệt là Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam. Từ đó, đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: nhân dân sinh sống tại các điểm du lịch có ý thức bảo vệ môi trường sinh thái; các sản phẩm đặc sản, đặc trưng miến dong, chè đã được đóng gói, có bao bì nhãn mác riêng; các nghề thủ công truyền thống như thêu thổ cẩm, in họa tiết bằng sáp ong, chạm bạc đa dạng về mẫu mã, phù hợp với nhu cầu, sở thích của du khách; các điểm tham quan dừng chân ngắm cảnh, pano thuộc Công viên địa chất UNESCO Non nước Cao Bằng được đầu tư xây dựng tác động tích cực đến du lịch địa phương; các dự án cải tạo, sửa chữa và nâng cấp các tuyến đường 202 và 212 đã hoàn thành; tạo điều kiện và hỗ trợ người dân phát triển dịch vụ homestay, tạo thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan trải nghiệm.

Đánh giá về hướng đi trong phát triển du lịch của huyện Nguyên Bình, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam nhận định, Nguyên Bình là mảnh đất có rất nhiều lợi thế và chắc sẽ thành công trong phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng. Bởi ở đây, cả hệ thống chính trị vào cuộc, song hành với người dân, hướng dẫn và trợ giúp họ về mọi mặt để tạo sinh kế thông qua những dịch vụ du lịch. Để từ đó, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Báo chí “cánh chim” đưa tin, quảng bá điểm đến du lịch cho Nguyên Bình, Cao Bằng

Xác định đưa du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, huyện Nguyên Bình đã có những kế hoạch rất cụ thể về truyền thông để quảng bá sâu rộng hơn nữa vẻ đẹp và sức hút của mình đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình trả lời phỏng vấn

Chia sẻ tại buổi tổng kết sau chuyến khảo sát, ông Đào Nguyên Phong, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình đánh giá rất cao vai trò của báo chí truyền thông đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói chung và với hành trình đưa du lịch Nguyên Bình, Cao Bằng đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế. Ông chia sẻ: “Du lịch Nguyên Bình vẫn còn là cụm từ mới mẻ trong từ điển của du khách, tuy nhiên, nhờ có những bài báo, những thước phim của các anh chị phóng viên, nhà báo viết về Hoài Khao, về rừng Trúc, về Phja Đén… mà du khách đến với Nguyên Bình ngày càng nhiều. Để rồi từ đó, tiếng lành đồn xa, Nguyên Bình đã có được dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam”.

Ông Phong cho biết thêm: “Báo chí là một trong những kênh quảng bá chính thống và hiệu quả nhất giúp đưa hình ảnh của Nguyên Bình đến với du khách trong và ngoài nước. Huyện cũng đã và đang xây dựng những chiến lược truyền thông bài bản, dài hạn phục vụ phát triển du lịch. Trong thời gian tới, huyện sẽ có kế hoạch mời những đoàn gồm các công ty lữ hành, các chuyên gia và các cơ quan truyền thông báo chí tham gia trải nghiệm các sản phẩm du lịch của Nguyên Bình để cùng nghiên cứu, cùng hỗ trợ cho huyện một cách tốt nhất nhằm đẩy mạnh quảng bá, giúp đưa Nguyên Bình đến gần hơn với công chúng và khách du lịch”.

 Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam trả lời phỏng vấn

Đánh giá về vai trò của báo chí đối với hoạt động của ngành du lịch nói chung, dưới góc nhìn của một chuyên gia, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: “Báo chí thực sự là cầu nối thông tin giữa du khách và danh thắng du lịch, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy quá trình quảng bá và xúc tiến du lịch. Báo chí đã góp phần định hướng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch, bao gồm nhận thức của nhân dân, doanh nghiệp và nhận thức của cơ quan quản lý, chính quyền các cấp. Thông qua báo chí, các chủ trương chính sách phát triển du lịch, những mô hình, kinh nghiệm phát triển du lịch tốt và cả những mặt chưa tốt, được tuyên truyền công khai rộng rãi, từ đó góp phần điều chỉnh hành vi của cộng đồng đối với hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, báo chí còn là một kênh thông tin quan trọng và hữu hiệu để quảng bá hình ảnh điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch. Đồng thời, cũng đã kịp thời phát hiện những cái mới, góp phần quan trọng đối với công tác quản lý, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, văn minh. Thực tế đang ngày càng chứng minh, báo chí là người bạn đồng hành đáng tin cậy của ngành du lịch địa phương trên con đường phát triển...”

Nhà báo Thanh Hà (Báo Dân Việt) tiếp cần: “Hoài Khao – Giữa đẹp và nghèo”, Nhà báo chia sẻ: “Lần đầu tiên đặt chân tới Hoài Khao, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thuần khiết nơi đây. Ngay khi ô tô chồm lên đỉnh con đèo để bắt đầu vào Hoài Khao, chúng tôi bắt gặp một thung lũng xanh ngắt, một con đường nhựa uốn lượn như dải lụa nổi bật giữa màu xanh của bạt ngàn cây rừng. Phóng tầm mắt xa hơn là ruộng bậc thang với một màu xanh non của lúa, xa hơn nữa là màu nâu đỏ trên những ngôi nhà lợp ngói âm dương đặc trưng của đồng bào Dao Tiền. Một khung cảnh thơ mộng và bình yên đến lạ!

Nhà báo Thuỳ Dương báo Phát luật Việt Nam tiếp cận đến Nguyên Bình với một tình cảm rất trân trọng và đáng yêu: “Để quên con tim” tại Hoài Khao. Nhà báo chia sẻ: “Hoài Khao là xóm của đồng bào Dao Tiền nằm e ấp sau những núi non trùng điệp hoang sơ. Những mái nhà nâu trầm lợp ngói âm dương đậm bản sắc Dao Tiền đong đầy nét hoài cổ, thơ mộng ẩn hiện sau những lũy tre xanh mát. Làn điệu Páo dung cùng những cô sơn nữ miệng cười tỏa nắng duyên dáng trong bộ trang phục in hoa văn sáp ong cùng chén rượu gạo thơm nồng khiến du khách “để quên con tim” lúc nào chẳng hay. Đến Hoài Khao, du khách đi bộ quanh làng thả hồn vào hoàng hôn bảng lảng sau núi, thăm cây di sản, miếu thờ Bà đầy linh thiêng. Khi mỏi chân, du khách còn được tắm, ngâm chân bằng lá thuốc của người Dao. Bao mỏi mệt tan biến. Buổi tối, làn điệu Páo dung cùng những cô sơn nữ miệng cười tỏa nắng duyên dáng trong bộ trang phục in hoa văn sáp ong đưa du khách tới Nhà văn hóa Hoài Khao để khám phá trích đoạn trình diễn Lễ cấp sắc độc đáo của người Dao Tiền. Lễ cấp sắc dành cho người con trai từ tuổi vị thành niên trở lên và coi đây là sự trưởng thành đủ điều kiện kết hôn. Cấp sắc của người Dao Tiền có nhiều cấp bậc: bậc đầu tiên là 3 đèn, bậc thứ hai được cấp 7 đèn, tham gia buổi lễ có rất nhiều thầy cúng, thầy cả và thầy hai giữ vai trò chính, thầy cả gọi là “Chềnh mềnh say”, thầy hai gọi là “Chì chiều say”, người được cấp sắc gọi là “con hương”.

Các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại Nguyên Bình/ Cao Bằng

Nhà báo Tiến Dũng – Minh Quân của truyền hình VOV, tiếp cần đến vấn đề đời sống dân sinh nơi bản làng Hoài Khao: “Đổi thay nhờ có đường, có điện”: “ Có một con đường vào xóm, có điện thắp sáng là điều ước bao đời nay của đồng bào dân tộc Dao tiền ở xóm Hoài Khao, Cao Bằng. Và cách đây vài tháng ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Xóm Hoài Khao nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái Phja Oắc, Phja Đén của huyện Nguyên Bình. Và với ưu thế được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp độc đáo, nơi đây đã được quy hoạch làm điểm du lịch cộng đồng. Giờ đây, khi có điện lưới quốc gia cuộc sống của người dân đã có nhiều thay đổi, có điện chiếu sáng, bà con có điều kiện phát triển du lịch tốt hơn. Ánh điện chiếu sáng trong nhà mỗi hộ, chiếu sáng đường làng ngõ xóm. Điện về bản mang theo ánh sáng của tri thức, giải quyết cơ bản mọi khó khăn để từ đó nhân dân Hoài Khao thêm quyết tâm vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no.”

Khó khăn, vất vả là vậy, thậm chí có những hiểm nguy luôn rình rập, cận kề nhưng những phóng viên/ nhà báo nơi vùng sâu vùng sa, họ vẫn hăng say với nghiệp “cầm bút”, dấn thân đến những miền đất xa xôi bằng một tình yêu nghề tha thiết. Bằng tất cả tình yêu nghề và đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, những phóng viên/ nhà báo vẫn từng ngày không quản khó khăn, sáng tạo những tác phẩm báo chí có chất lượng với một tâm niệm chung đó là vì sự phát triển của cộng đồng, xã hội.... nhưng vượt lên tất cả, những “cánh chim” ấy vẫn mải miết bay đi đến mọi miền của tổ quốc. Họ như những “cánh chim” không mỏi để đưa tin đến với bạn đọc./.

 

Vân Anh – Thế Anh – Tuấn Anh