Những cái “sến” trong báo chí

22/04/2020, 23:29

Những cái “sến” trong báo chí - Chữ “sến” là cách nói trại đi của từ “sen” (con sen) có nghĩa là bình dân. Nhưng “sến” còn mang nét nghĩa khác, đó là “sáo” (chỉ sự sáo mòn, cũ kĩ, sáo rỗng, đã được sử dụng quá nhiều, không còn hấp dẫn). Hơn bất kì loại tác phẩm nào, báo chí rất cần sự tươi mới. Ấy vậy mà, đâu đó trên mặt báo vẫn còn nhiều cái “sến” đáng nói.

Báo chí vừa là phương tiện, vừa là công cụ truyền bá tư tưởng hiệu quả trong đời sống xã hội. Ảnh: TL

“Sến” từ nội dung...

Báo chí nước ta rất cần nêu gương người tốt việc tốt, gương điển hình - tiên tiến, cần ca ngợi cái hay, cái tiến bộ, cái hiện đại nhằm phổ biến, nhân rộng, cốt làm sao cho dân giàu, nước mạnh, văn minh. Nhưng không phải vì thế mà ca ngợi quá đáng, thổi phồng sự thật, mất niềm tin vào báo chí. Nhiều trường hợp được báo chí khen ngợi, phô trương quá mức đã trở thành những điển hình, tấm gương “bất đắc dĩ” một cách kệch cỡm, lố bịch quá mức.

Tưởng chừng như đưa tin chẳng có gì để gọi là “sến” vì giá trị của tin tức là sự kiện, sự việc, được cấu trúc theo mô hình 5W+H, thường được các nhà báo viết theo kiểu “tam giác ngược”. Tuy nhiên, nếu ai cũng viết theo cách này thì ít nhiều sẽ gây nên nhàm chán. Để tránh trùng lặp, mỗi tin người viết cần phải cân nhắc đưa yếu tố nào là quan trọng lên trước, hoặc không nhất thiết phải đưa yếu tố đó lên trước nhưng phải làm nó nổi bật. Về việc này các báo như “Tuổi trẻ”, “Thanh niên”, hay “Tiền phong”, “Lao động” làm rất tốt.

Bên cạnh đó, do một số thể loại báo chí có tính khuôn mẫu nên dễ tạo ra “sến” về mô-típ tác phẩm. Đó là một số thể loại như: phóng sự điều tra, phóng sự, bài phản ánh. Một số thể loại khác, như bài viết về người tốt việc tốt, gương điển hình-tiên tiến,... Nếu mô-típ bị lặp lại nhiều quá sẽ tạo nên sự nhàm chán cho người đọc. Để tránh “sến” về mô-típ, người viết cần có sự linh hoạt, biến hóa trong cách viết.

... đến hình thức

Không chỉ “sến” về nội dung, nhiều người làm báo hiện nay còn gặp phải không ít những sai lầm trong việc tạo nên sức hấp dẫn từ việc tạo nên hình thức của một bài báo. Đầu đề (tít) là cửa vào của bài báo. Tít hay và lạ sẽ cuốn hút được độc giả. Nhưng không phải vì lẽ đó mà nhiều báo hiện nay áp dụng các cách “giật tít” nhằm giật gân, câu khách. Điều này dẫn đến việc khi người đọc tìm hiểu về nội dung của bài báo thường cảm thấy chán nản vì không thấy gì mới đáng trông đợi.

Có rất nhiều kiểu tít, ban đầu được một số nhà báo sử dụng tạo hiệu ứng tốt. Sau một thời gian, kiểu đặt tít theo cách bắt chước dần được lan rộng, lâu dần thì tự nhiên thành “sến”. Chẳng hạn, sau khi phóng sự “Tôi đi bán tôi” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ra đời, thì có vô số kiểu tít ăn theo như: “Tôi đi lặng”, “Tôi đi biển”,“Tôi đi buông”, “Tôi đi bar”, “Tôi đi Hòn Rơm”, “Tôi đi...”, tạo nên sự nhàm chán. Mỗi bài báo sẽ có thể đặt rất nhiều tiêu đề. Nhưng đặt như thế nào cho hấp dẫn, tươi mới và phản ánh đúng chủ đề mới là điều nên làm.

Ngoài ra, việc kết thúc một bài báo ra sao để lưu lại những ý nghĩ và thái độ của người đọc một cách lôi cuốn cũng là vấn đề không dễ dàng đối với những người cầm bút. Chúng ta thường gặp nhiều kiểu kết thúc như: “Thay lời kết”, “Vĩ thanh”, “Giải pháp”, “Mai sau biết có...”, “Một kết thúc có hậu”,... Thật ra đó là những cách làm khác đi cho phần tựa kết thúc tác phẩm. Nhưng do nhiều người dùng quá nên nó thành “sến”. Nếu đọc nhiều, gặp nhiều sẽ nhàm chán.

Những nhà báo có tay nghề cứng, họ rất linh hoạt trong kết thúc tác phẩm, tạo ấn tượng tốt về bài viết trong lòng bạn đọc. Trong quyển “Đặc trưng của ngôn ngữ báo chí” có hướng dẫn về cách viết kết thúc phóng sự rất hay.

Báo chí vừa là phương tiện, vừa là công cụ truyền bá tư tưởng, tin tức về những sự kiện, sự việc quan trọng trong đời sống xã hội bảo đảm được chất lượng của bài báo cả về nội dung và hình thức để vừa tạo được sức hút lớn vừa tạo được niềm tin nơi công chúng chính là những điều báo chí đã, đang và sẽ hướng tới hiện nay./.

Nguyễn Văn Phước