Lực lượng tiên phong trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

22/04/2020, 23:29

Lực lượng tiên phong trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng - Chống tham nhũng, lãng phí là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó báo chí có vai trò và trách nhiệm đặc biệt, là khẳng định của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí” do Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Báo Nhân dân phối hợp tổ chức cuối tháng 4 tại Hà Nội.

Chống tham nhũng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó báo chí là lực lượng tiên phong. Ảnh: PV

Phóng viên Tạp chí Người Làm Báo ghi lại một số ý kiến tâm huyết, chắt lọc từ quá trình tác nghiệp trong thực tế của nhiều nhà báo, nhà quản lý giàu kinh nghiệm xung quanh vấn đề này...

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THIỆN NHÂN,
ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM, BÍ THƯ THÀNH ỦY TP. HỒ CHÍ MINH:

Giải quyết tận cùng các vụ việc do báo chí nêu

Mặt trận Tổ quốc và báo chí có điểm giống nhau, đó là có chức năng giám sát, phản biện nhưng không có chế tài. Tuy vậy, Mặt trận Tổ quốc vẫn có thể làm được nếu có thể biến kiến nghị của mình trở thành quyết tâm chính trị của Đảng, chính quyền các cấp. Báo chí cũng vậy, cần làm thế nào để những phát hiện, phản ánh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của mình chuyển thành hành động của Đảng, chính quyền cơ sở, có như thế vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí mới thật sự hiệu quả.

Hiện nay, theo con số thống kê chưa đầy đủ của Mặt trận Tổ quốc, trong 1 tháng, cả nước có khoảng 450 bài báo phản ánh những yếu kém, tiêu cực. Đây là căn cứ để Mặt trận Tổ quốc phối hợp với cơ quan báo chí giải quyết đến tận cùng các vụ việc do báo chí nêu ra. Tuy nhiên, để làm được việc này, rất cần sự tham gia tích cực của cả hệ thống Mặt trận Tổ quốc cũng như các cấp chính quyền cơ sở. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Viettel xây dựng phần mềm đọc báo điện tử để thống kê, phân loại các bài báo phản ánh tiêu cực trên hệ thống báo chí. Từ số liệu này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phân loại, thông tin về từng địa phương, cơ sở đang có vụ việc mà báo chí phản ánh để phối hợp giải quyết hiệu quả

TS. TRẦN BÁ DUNG,
ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, TRƯỞNG BAN NGHIỆP VỤ HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM:

Cần hành lang pháp lý để các nhà báo yên tâm dấn thân

Khó khăn đối với báo chí trong công tác này là còn thiếu một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan để cùng báo chí giải quyết các vụ việc. Đặc biệt là việc cung cấp thông tin cho báo chí về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều thông tin được coi là mật, nhưng báo chí không có điều kiện tiếp cận, không được biết. Thậm chí, người cung cấp thông tin cũng không đảm bảo an toàn cho báo chí. Vì vậy, đã có tình trạng nhà báo viết về phòng chống tham nhũng, lãng phí, lấy tin chính thống, minh bạch, nhưng cuối cùng lại bị xử lí theo pháp luật vì nhiều lí do khác nhau...

Mặt khác, nhà báo viết về lĩnh vực này là chấp nhận sự nguy hiểm, rủi ro lớn. Nhưng cơ chế bảo vệ họ lại thiếu chặt chẽ. Ngay cả nguồn tin cho báo chí cũng thiếu sự bảo vệ một cách an toàn. Vướng mắc và cũng là nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn nêu trên, là do còn thiếu cơ chế bảo vệ nhà báo trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều hội thảo, diễn đàn, các chuyên gia và nhà báo đã nêu vấn đề cần coi việc nhà báo thực thi nhiệm vụ đúng pháp luật là thi hành công vụ. Có như vậy mới xử lí nghiêm minh được và ngăn chặn được những hành vi cản trở, hành hung nhà báo hành nghề đúng pháp luật. Đây đang là vấn đề báo giới quan tâm và lo lắng trong hành nghề.

TRUNG TƯỚNG TRẦN VĂN ĐỘ,
NGUYÊN PHÓ CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, CHÁNH ÁN TÒA ÁN QUÂN SỰ TRUNG ƯƠNG:

Báo chí định hướng dư luận, định hướng nhận thức

Về mặt pháp luật, hoạt động báo chí trong phát hiện, phản ánh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là không có chế tài, nhưng về mặt xã hội lại có tác động rất lớn. Báo chí và luật pháp cũng có điểm tương đồng là tạo nên tính nhân văn trong xã hội. Báo chí hỗ trợ rất lớn cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhiều vụ án, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được phát hiện, khởi tố từ nguồn tin của báo chí. Nhiều vụ án oan sai được báo chí đề cập, nhiều vụ án được báo chí phát hiện có bất cập trong xử lý đã giúp cơ quan có thẩm quyền có biện pháp sửa chữa kịp thời.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, báo chí cũng tạo áp lực không cần thiết cho hoạt động tố tụng, nhất là phán quyết của Tòa án. Vì vậy, trong thời điểm đang xử lý vụ án thì báo chí không được làm công tác “xử thay Tòa”, bởi khi Tòa xử kết án khác với “án của báo chí” sẽ tác động tiêu cực tới dư luận xã hội...

TS, LUẬT SƯ PHAN TRUNG HOÀI,
PHÓ CHỦ TỊCH LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM:

Nhà báo cần hiểu kiến thức pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí

Trong điều kiện tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra còn những rào cản, khó khăn, làm thế nào giải quyết được bài toán giữa việc bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật điều tra, thông tin của khách hàng, với việc bảo đảm quyền được thông tin trung thực, khách quan, toàn diện của vụ án trong mối quan hệ với cơ quan báo chí, với các nhà báo là một thách thức không nhỏ của mỗi luật sư. Từ nhận thức và khuôn khổ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp điều chỉnh quá trình hành nghề và mối quan hệ giữa nhà báo và luật sư nêu trên, nếu được tuân thủ một cách nghiêm túc, sẽ góp phần rất lớn thực thi chức năng xã hội nghề nghiệp mỗi bên, giúp công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt hiệu quả.

Khi chống tham nhũng, các nhà báo gặp nhiều rủi ro vì đối tượng tham nhũng có quyền lực và những mối liên hệ lợi ích chồng chéo. Chính vì thế, các nhà báo khi chống tham nhũng, ngoài kỹ năng, đạo đức, phải nắm chắc pháp luật, đặc biệt là Điều 25 Luật Báo chí quy định về những gì nhà báo được làm và Điều 9 quy định về những điều cấm. Ranh giới rất mong manh, có thể đang đấu tranh chống tham nhũng, phóng viên lại rơi vào phạm tội.

NHÀ BÁO PHÙNG SƯỞNG,
PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO TIỀN PHONG:

Xây dựng “vành đai” bảo vệ nhà báo trong tác nghiệp

Cần coi hoạt động tác nghiệp của những nhà báo tham gia vào mặt trận phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là một loại thi hành công vụ, cần tạo hành lang pháp lý tốt để các nhà báo, cơ quan báo chí yên tâm dấn thân; sớm bổ sung chế tài xử lý hành vi không trả lời báo chí theo luật định, đặc biệt với những vụ việc có dấu hiệu sai phạm thì cần có chế tài trong việc cung cấp thông tin khách quan, kịp thời; sửa đổi các quy định của pháp luật theo hướng chỉ có Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao mới có quyền yêu cầu báo chí cung cấp thông tin, nguồn tin chứ không phải cấp tỉnh như hiện nay. Nếu không, lúc đó nhà báo phải nhận hết lỗi về mình để bảo vệ nguồn tin như thường xảy ra. Khi xảy ra các vụ hành hung phóng viên, nhà báo, các cơ quan, tổ chức như MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan chủ quản báo chí... cần chủ động vào cuộc để bảo vệ nhà báo và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm...

NHÀ BÁO DUY THANH,
PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT:

Xây để chống, chống để xây tốt hơn

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, các nhà báo, tòa soạn đối diện với nhiều cám dỗ. Để vượt qua những cám dỗ này, bên cạnh việc người viết cần phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có cái tâm trong sáng, có động cơ xây dựng, đặt mình vào trong cuộc để tháo gỡ; phải hết sức thận trọng, tỉnh táo và nhạy cảm thì phải có năng lực nghiệp vụ và sự công phu rèn luyện về nhiều mặt, các tòa soạn phải xây dựng được quy trình điều tra, tác nghiệp bảo đảm sự minh bạch và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hiện nay, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các nhà báo và cơ quan báo chí không thể tự thân và đơn phương. Thiếu sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bài báo sẽ bị rơi vào im lặng. Cơ quan báo chí, nhà báo không có quyền xử lý vi phạm. Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng sợ nhất “alo, vỗ vai”. Chỉ có sự minh bạch, sự vào cuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng mới làm cho các thông tin báo chí trở thành căn cứ, chứng cứ đưa ra ánh sáng các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; góp phần cùng Đảng và Nhà nước trong thực hiện mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí

Ngọc Thành, Thùy Dung (thực hiện)