
Đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp - Nhìn từ KCN sinh thái Nam cầu Kiền
Đòn bẩy giải quyết bài toán kinh tế môi trường
-
Xây dựng và phát triển đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp không những là việc cấp thiết mà còn mang tính tất yếu kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp xanh, bền vững. Thực hiện đa dạng sinh học sẽ tạo đòn bẩy cho việc bảo vệ môi trường, tạo nguồn sinh khí cho các doanh nghiệp, người lao động, thúc đẩy đầu tư vào kinh tế môi trường.
Đa dạng sinh học đang trở thành vấn đề sống còn của phát triển bền vững. Ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống ngày một cấp bách. Trong loạt bài này, chúng tôi muốn tiếp cận việc xây dựng và phát triển đa dạng sinh học (ĐDSH) ở quy mô môi trường khu công nghiệp (KCN) trên cơ sở phân tích một KCN sinh thái cụ thể: Khu công nghiệp sinh thái Nam cầu Kiền TP. Hải Phòng. |
Tiền đề cho sinh thái học công nghiệp
Tiến trình lịch sử nhân loại đã chứng minh, đa dạng sinh học cấu thành nền tảng của cuộc sống trên trái đất, cuộc sống của cả con người và các thực thể sống khác. Con người đã sống hàng nghìn năm trong sự đa dạng sinh học, phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học. Song thực tế cũng chỉ ra, không phải lúc nào con người cũng nhận thức được tầm quan trọng sống còn của đa dạng sinh học. Đa dạng sinh học chỉ trở thành vấn đề pháp lý quốc tế và quốc gia được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm sau khi Công ước quốc tế về đa dạng sinh học được thông qua tại Nairobi và sự kiện ngày 5 tháng 6 năm 1992, 150 quốc gia ký Công ước.
Đa dạng sinh học tạo ra sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống.
Tùy từng góc độ tiếp cận mà khái niệm đa dạng sinh học được đưa ra. Tiếp cận từ góc độ chức năng, đa dạng sinh học là các hệ sinh thái và các quá trình tiến hoá. Và dù tiếp cận từ góc độ nào thì các định nghĩa về đa dạng sinh học đều thừa nhận mối liên hệ giữa các giống loài, sự phụ thuộc vào nhau giữa chúng trong quá trình tiến hoá và phát triển.
Ở Việt Nam, đã có tới con số hàng trăm văn bản pháp luật của Nhà nước Việt Nam liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và các tài liệu hướng dẫn thi hành lần lượt được ban hành. Theo Luật đa dạng sinh học năm 2008 thì đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên (khoản 5 Điều 3). Cũng theo Luật này, bảo tồn đa dạng sinh học là việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của loài hoang dã, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; nuôi, trồng, chăm sóc loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; lưu giữ và bảo quản lâu dài các mẫu vật di truyền.
Bên cạnh đó, một trong những chính sách lớn của nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học nêu rõ: Khuyến khích và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tri thức truyền thống vào việc bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học; phát triển du lịch sinh thái gắn với việc xóa đói, giảm nghèo...
Như vậy, đa dạng sinh học không đơn thuần chỉ là hệ sinh thái tự nhiên, mà có sự gắn kết mật thiết, hữu cơ trong đời sống xã hội, giúp cho chất lượng cuộc sống tốt hơn. Làm sao để ứng dụng đa dạng sinh học được phổ biến ở các lĩnh vực, ngành nghề. Mô hình KCN truyền thống có thể coi là sự hiện diện rõ nhất những tác động tiêu cực vào tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học. Sự tập trung công nghiệp trong một khu vực nhất định sẽ làm tăng thêm các tác động xấu vốn có của công nghiệp tới môi trường. Việc ứng dụng đa dạng hóa sinh học ở các khu công nghiệp mang ý nghĩa như một đòn bẩy tích cực cho việc bảo vệ môi trường, tạo nguồn sinh khí cho các doanh nghiệp, người lao động.
Khái niệm đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp còn rất mới trong nội hàm sinh thái về công nghiệp môi trường. Thực hiện đa dạng sinh học trong hoạt động công nghiệp sẽ tạo ra một trong những tiền đề cho sinh thái học công nghiệp, với những hệ sinh thái đa dạng ngay trong nội hàm của một mô hình sản xuất công nghiệp, hay một khu công nghiệp…
Đa dạng sinh học trước những thách thức
Báo cáo IPCC 2022 nhấn mạnh rằng khi mức độ ấm lên toàn cầu vượt quá 1,5 độ C trong vài thập kỷ, nó sẽ gây ra những hậu quả vô cùng to lớn và thường là vĩnh viễn đối với các hệ sinh thái đại dương cũng như đa dạng sinh học. Hơn nữa, môi trường thay đổi còn gây ra sự gia tăng các thảm họa thiên nhiên và ô nhiễm, cả hai yếu tố đều đe dọa cuộc sống con người.
Trong khi đó, hệ thống kinh tế tuyến tính ở phần đa các doanh nghiệp đang đưa đến những thách thức cho môi trường sinh thái khi thực hiện chu trình vận hành dựa trên mô hình “khai thác - sản xuất - vứt bỏ” lặp đi lặp lại. Sản phẩm sẽ bị tiêu hủy khi hết giá trị sử dụng, cộng với một lượng các chất thải khổng lồ ra môi trường không được xử lý hiệu quả và đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễn, cạn kiệt tài nguyên nghiêm trọng.
Da dạng sinh học đang bị đe dọa, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe môi trường.
Việc lấy đi những món quà mà thiên nhiên ban tặng và trả lại môi trường những thứ độc hại nhất, dẫn đến trái đất ngày một biến đổi, ô nhiễm. Đa dạng sinh học đang bị mất với tốc độ chưa từng có và nền kinh tế tuyến tính khai thác, lãng phí và gây ô nhiễm là một trong những nguyên nhân cơ bản chính của cuộc khủng hoảng này. Con số thống kê cho thấy hơn 90% tổn thất đa dạng sinh học là do khai thác và xử lý tài nguyên thiên nhiên quá mức và chưa hiệu quả.
Đứng trước những thách thức lớn của toàn cầu, tại COP 26, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) nhấn mạnh yêu cầu giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Đến năm 2030, cơ bản đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong đó, chú trọng nghiên cứu hoàn thiện cơ sở lý luận và đề xuất các mô hình phát triển các-bon thấp, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững đất nước.
Mới đây, Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050.
Đa dạng sinh học có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với sự phát triển bền vững của nhân loại. Đa dạng sinh học có những giá trị kinh tế, môi trường và cuộc sống to lớn mà chỉ vài thập kỉ gần đây chúng ta mới ý thức được một cách đầy đủ. Từ những phân tích ở trên cho thấy, đa dạng sinh học là một thành phần cơ bản của sự tồn tại trong kinh doanh dài hạn. Muốn phát triển bền vững phải xây dựng đa dạng sinh học bền vững. Bảo tồn sự đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các thành phần của tự nhiên và chia sẻ công bằng các lợi ích từ việc sử dụng tài nguyên chính là mục tiêu hướng đến trong sự tồn tại và phát triển công nghiệp.
Cả nước hiện đang có khoảng hơn 400 KCN, thiết nghĩ, song song với việc chuyển giao và ứng dụng các biện pháp về đa dang hóa sinh học đối với các khu công nghiệp; để thực hiện hiệu quả, thiết thực đa dạng hóa sinh học trong các khu công nghiệp ngoài việc cần có những cơ chế, chủ trương chính sách kịp thời của Đảng và Nhà nước là ý chí để triển khai từ các chủ của các khu công nghiệp, các nhà đầu tư cho lĩnh vực kinh tế đặc biệt sôi động này.
Thời gian qua, từ vấn đề nhận thức đa dạng sinh học để bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống là việc cấp thiết cần có, cần làm đã có những sáng kiến, nghiên cứu tại Việt Nam triển khai thí điểm các mô hình ESG, kinh tế tuần hoàn, KCN sinh thái kết quả bước đầu khẳng định sự chuyển đổi sang mô hình bền vững không chỉ giúp giải quyết bài toán về môi trường, phục hồi đa dạng sinh học và còn phát triển kinh tế hiệu quả hơn.
Anh Tuấn - Nam Giao
Bài 2: Phát triển KCN sinh thái - nền tảng tăng trưởng bền vững

Đòn bẩy giải quyết bài toán kinh tế môi trường

Khánh Hòa: Nhiều hoạt động thu hút khách du lịch Trung Quốc

Tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7

Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ

Du lịch Khánh Hòa tăng công suất, phục vụ gần 800.000 lượt khách trong kỳ nghỉ lễ
